Đường dây nóng:

Tài liệu tuyên truyền Pháp luật về phòng, chống Ma túy

Cập nhật: 2021-06-16 10:40:26
Lượt xem: 233

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Pháp luật về phòng, chống Ma túy

-----

 

  Huyện Mộc Châu đuợc xác định là một trong những địa bàn nóng, nhức nhối, phức tạp nhất về tội phạm, tệ nạn ma tuý của tỉnh Sơn La nói riêng và của một số tỉnh miền núi phía Bắc nói chung; đặc biệt là tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý qua biên giới. Với địa bàn huyện rộng diện tích tự nhiên 1.071,7 km², có trên 40 km đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào; toàn huyện có 193 bản, tiểu khu thuộc 15 xã, thị trấn (13 xã, 02 thị trấn), trong đó 03 xã vùng III biên giới; địa hình hiểm trở, đường biên giới dài; nhiều tuyến đường độc đạo, nhiều đường mòn, lối mở cùng với các hoạt động thăm thân thường xuyên của đồng bào vùng biên đã gây khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát các đối tượng, tội phạm vận chuyển trái phép các chất ma túy vào địa bàn huyện.

Trước tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn huyện Mộc Châu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng thường lợi dụng các hoạt động thăm thân, dòng họ, thân tộc để tạo thành đường dây khép kín mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn và rất lớn từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ và trung chuyển đến các vùng, các tỉnh khác trong nước tiêu thụ, thậm chí là điểm trung chuyển xuyên quốc gia. Qua các vụ án do các cơ quan chức năng điều tra, kiểm soát và bắt giữ được chủ yếu là hêrôin, nhựa thuốc phiện, quả thuốc phiện và ma túy tổng hợp; nhất là các vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển hêrôin, ma túy tổng hợp với số lượng rất lớn. Về tính chất hoạt động của loại tội phạm này ngày càng trở lên nguy hiểm, côn đồ và manh động hơn, với phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; chúng luôn sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ để bảo vệ hàng, chống đối lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Để giúp các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện rõ tác hại của ma túy trong đời sống xã hội, cần nhận biết một số nội dung cơ bản sau:

Thế nào là ma túy (hay Ma túy là gì): Ma tuý được hiểu bao gồm: Nhựa cây thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca; lá, hoa, quả của cây cần sa; lá cây côca; quả thuốc phiện khô; quả thuốc phiện tươi, herôin; côcain và các chất ma tuý khác ở thể lỏng; các chất ma tuý ở thể rắn.

Thế nào là nghiện ma túy: Nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về thể chất và tâm lý của một người vào một chất do sử dụng chất đó thường xuyên, liên tục hoặc trong một thời gian dài. Nghiện ma túy là một quá trình bắt đầu từ “dùng thử” do tò mò; sau khi “dùng thử”, người đó có thể không tiếp tục sử dụng nữa do không có điều kiện tiếp tục hoặc cảm thấy không phù hợp. Tuy nhiên, một số người sẽ tiếp tục sử dụng và khi tần suất sử dụng thường xuyên lên cao hơn mức bình thường trước đó; khi đó con người đó sẽ bị lệ thuộc vào ma túy. Tùy theo thời gian, mức độ lệ thuộc vào ma túy càng tăng lên và trở thành nghiện.

Về tác hại của ma túy

Về sức khỏe: Ma túy phá hoại sức khỏe của người sử dụng, dễ mắc các bệnh về tim mạch, thần kinh, thận, viêm gan siêu vi B,C, nhiễm HIV/AIDS; thể xác gầy còm, ốm yếu, rối loạn sinh lý, thần kinh bất ổn, giảm trí nhớ, lười lao động. Khi dùng ma túy, người nghiện bị kích thích, gây ảo giác, làm cho hành vi của con người bị lệch chuẩn, mất nhân cách và dễ vi phạm pháp luật. Khi không có tiền hút chích, người nghiện sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả giết người, cướp tài sản để thỏa mãn cơn nghiện; tiêm chích ma túy dễ dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS (chiếm khoảng 75%). Ma túy là nguyên nhân dễ làm phá vỡ hạnh phúc gia đình, làm kiệt quệ kinh tế và tạo gánh nặng cho gia đình, thậm chí là cả cộng đồng và xã hội.

 Người nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma tuý mãn tính, suy nhược toàn thân, người gầy gò xanh xao, mặt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hay phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm, ngủ ngày, sức khoẻ giảm sút rõ rệt.

Người nghiện ma tuý bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.

Về đạo đức xã hội: Ma túy còn làm băng hoại đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, làm suy thoái giống nòi; là nguyên nhân sâu xa của hàng loạt tội phạm nguy hiểm (qua nghiên cứu tình hình tội phạm thì 70% phạm tội hình sự có liên quan đến ma túy). Tính trung bình mỗi năm số người nghiện ở nước ta (hơn 181 nghìn người/năm) tiêu tốn khoảng 3,5 nghìn tỉ đồng, có hàng nghìn người bị chết hoặc tàn phế vĩnh viễn do ma túy gây ra, hàng trăm nghìn người bị lây nhiễm HIV/AIDS do dùng chung kim tiêm chích ma túy.

Về đời sống xã hội: Ma túy gây tác hại nhiều mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và trở thành thảm họa chung của cả nhân loại. Ảnh hưởng xấu đến gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội, trật tự an toàn xã hội; làm gia tăng tội phạm, bạo lực, tệ nạn tham nhũng; ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Vì vậy: Ma tuý chính là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh tật, huỷ hoại sức khoẻ của người nghiện và cũng là nguồn phát sinh ra nhiều loại tội phạm khác đồng thời cũng là nguyên nhân chính làm lây lan căn bệnh truyền nhiễm của thế kỷ đó là HIV/AIDS. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng thì trong số người bị nhiễm HIV có tới gần 70% là do nghiện ma tuý (trong đó lây nhiễm HIV được xác định qua 3 đường là: tiêm chích ma tuý, đường tình dục và lây từ mẹ sang con)

Về góc độ tình cảm và hạnh phúc gia đình

 Người nghiện ma tuý làm tiêu tốn tài sản, đây cũng là một hậu quả dễ nhận thấy nhất đối với những gia đình có người nghiện ma tuý. Gây thiệt hại về kinh tế do sử dụng ma tuý là một trong những nguyên nhân làm đổ vỡ mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp giữa những người trong gia đình với người nghiện.

 Do quá trình sử dụng ma tuý làm cho người nghiện thay đổi tính cách như hay gây gổ, cáu gắt, lừa dối, trộm cắp, cướp giật… đến lúc nào đó bản thân họ không còn hoà hợp với những người trong gia đình. Khi lên cơn nghiện thì người nghiện mất hết lý trí, không còn điều khiển được hành vi của mình, họ xoay xở và tìm mọi cách để có tiền để mua chất ma tuý nhằm thoả mãn cơn nghiện.

Nhưng khi không có khả năng đáp ứng những đòi hỏi đó, người nghiện trở lên liều lĩnh, tàn bạo có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng như hành hạ người thân, cha mẹ, vợ con, anh em, đập phá tài sản gia đình… từ đó dẫn đến hạnh phúc gia đình bị tan vỡ và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cộng đồng.

Về kinh tế

 Theo thống kê; hàng năm ở nước ta phải chi phí hàng trăm tỷ đồng cho việc xoá bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Theo số liệu thông kê vào cuối năm 2014 cả nước có 204.377 người nghiện. Ước tính hàng năm tiêu phí gần 6.000 tỉ đồng cho việc sử dụng heroin nói riêng và ma túy nói chung. Nếu số tiền này được đầu tư vào các chương trình phát triển kinh tế thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

Ngoài ra, tệ nạn ma tuý còn làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng lẫn chất lượng, làm cho thu nhập gia đình, thu nhập nền kinh tế quốc dân cũng giảm, nhưng chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng.

Người nghiện ma tuý hầu hết ở độ tuổi lao động. Vì vậy vấn đề đào tạo cán bộ, công nhân có tay nghề để thay thế họ là một vấn đề khó khăn.

Đầu tư nước ngoài cũng giảm vì các nhà đầu tư họ cần đầu tư vào những nước có tỷ lệ người lao động có tay nghề cao, độ tuổi lao động vàng, giá nhân công lao động rẻ.....

Ma tuý là nguyên nhân xô đẩy người lương thiện vào con đường phạm tội . Do sử dụng các chất ma tuý mà người nghiện không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến họ có những hành vi vi phạm phẩm chất đạo đức và vi phạm pháp luật. Theo thống kê thì có tới 85,5% người nghiện ma tuý có tiền án, tiền sự. Khi trở thành nô lệ của ma tuý, nhu cầu về tiền bạc đối với người nghiện là rất lớn. Trong khi đó khả năng về tài chính của bản thân họ và gia đình không thể đáp ứng. Lúc đó, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma tuý thoả mãn cho cơn nghiện kể cả giết người, cướp của ... điều này đã chứng minh được qua tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý ở nước ta thời gian qua cho thấy số đối tượng nghiện ma tuý phạm tội cướp giật, trộm cắp, lừa đảo… chiếm tỷ lệ khá cao. Trong số những đối tượng nghiện các chất ma tuý, có một số không nhỏ đã tham gia vào cuộc vận chuyển thuê, bán thuê, ôm thuê ma tuý cho các đối tượng buôn bán ma tuý chuyên nghiệp hoặc họ tự tham gia buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý… nhằm thu lợi bất chính vừa có tiền để duy trì việc hút, tiêm chích ma tuý cho bản thân.

Hoạt động mua bán, tổ chức sử dụng ma tuý trái phép của các đối tượng và sự tập trung của những người nghiện ở một địa bàn sẽ kéo theo những tệ nạn xã hội và những vi phạm pháp luật khác làm bất ổn về ANTT tại địa phương đó. Thực trạng nói trên đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ và bất bình trong quần chúng nhân dân. Ma túy còn là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.    

Về nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy và tội phạm ma túy là:     

Về nguyên nhân chủ quan:  Là do người sử dụng ma túy thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy nên bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dùng thử ma túy cho dù chỉ thử một lần nhưng vẫn bị nghiện ma túy. Một số gia đình có con mắc nghiện nên đã tìm mọi cách che giấu với xã hội, vì e sự xã hội dị nghị.

 Một số cá nhân thiếu hiểu biết về ma túy, mang tính hiếu kỳ, tò mò, thích cảm giác lạ; nhất là các vụ việc vui chơi tại nhà hàng, khách sạn, karaoke muốn thể hiện mình trước đám đông, bè bạn....dẫn đến mắc nghiện. Mặt khác, do mâu thẫn gia đình (bố mẹ ly dị, ly thân) làm cho con cái buồn chán, bỏ học, bỏ nhà đi hình thành các băng nhóm sống lang thang trộm cắp, móc túi…bị kẻ xấu lôi kéo vào hút chích ma túy và lợi dụng những đối tượng này vào con đường vận chuyển trái phép các chất ma túy.     

Về nguyên nhân khách quan: Mặt trái cơ chế thị trường đã tác động vào tầng lớp thanh, thiếu niên lối sống thực dụng, thích ăn chơi, hưởng thụ nhưng không chịu lao động; đồng thời trong xã hội khoảng cách giàu nghèo ngày càng phân hóa sâu sắc, một số gia đình giàu lên rất nhanh dẫn tới con cái có điều kiện ăn chơi, xa đọa; một số thanh thiếu niên không có điều kiện về tài chính sinh ra trộm cắp, cướp giật, dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản.

Một số gia đình chưa quan tâm sâu sắc đến công tác giáo dục con cái, buông lỏng quản lý giáo dục, mải mê làm ăn kiếm sống mà quên đi giáo dục, uốn nắn con cái trong quan hệ tiếp xúc bạn bè và khuyên bảo tránh xa các loại ma túy nên một số thanh thiếu niên đã rơi vào cảnh nghiện ngập nhưng bố mẹ vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi con mình phạm tội bị bắt giam  mới biết.      

Công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, những người sau cai nghiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót như: các đoàn thể chính trị xã hội, gia đình, nhà trường thiếu phương pháp kiểm soát, không phát hiện kịp thời. Vẫn còn biểu hiện xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử người sau cai nghiện trở về địa phương. Công tác tuyên truyền phổ biến Luật phòng, chống ma túy của các đoàn thể chính trị xã hội thiếu đồng bộ chưa được thường xuyên.

 Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy góp phần làm giảm số lượng người nghiên ma túy ở địa phương; mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của các loại ma túy, đề cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm ma túy và tuyệt đối:

(1) Không trồng, tái trồng, sử dụng cây thuốc phiện và các loại cây khác có chứa chất gây nghiện.

(2) Không tò mò, không dùng thử bất cứ dưới các hình thức nào về các chất có chứa ma túy.

(3) Không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

(4) Không xúi dục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

(5) Không hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội ma túy mà có.

(6) Không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.

(7) Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

(8) Không gây cản trở trong thực hiện việc cai nghiện đối với người nghiện ma túy. Không trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy.

(9) Không lạm dụng việc quản lý sử dụng chất ma túy trong lĩnh vực y tế, công nghiệp để vi phạm pháp luật; bao che cho hành vi chống cai nghiện ma túy, có hành vi làm cho người sau cai nghiện tái sử dụng ma túy; bao che các tội phạm về ma túy.

* Tùy theo từng trường hợp cụ thể, từng hành vi, tác hại, hậu quả xảy ra do hành vi vi phạm vào một trong các điều cấm nêu trên để xử lý.

Gia đình là tế bào của xã hội có vai trò quan trọng, quyết định trong công tác phòng, chống ma túy, do đó mỗi gia đình cần tích cực:

Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy.

Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh.

Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác.

Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.

Phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

Người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện ma túy có trách nhiệm:

Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, trị trấn nơi cơ trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy;

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

Khai báo với UBND cấp xã về người nghiện ma túy trong gia đình mình, tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó.

Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn giám sát của cán bộ y tế và UBND cấp xã.

Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội.

Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn  cần tổ chức cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy khai báo về tình trạng nghiện ma túy và đăng ký hình thức cai nghiện.

Đối với cơ quan, tổ chức trong phòng chống ma túy.

Phát hiện, cung cấp nhanh các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma túy.

Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

Tại các vùng phải xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma túy; quy hoạch cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả.

 Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma túy; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của nhà nước về phòng, chống ma túy.

Đối với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong phòng chống ma túy.

Tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.

 Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia tệ nạn ma túy.

Giám sát hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ quan, nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và địa bàn dân cư.

Phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai nghiện ma túy; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.

Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục trong phòng, chống ma túy.

Tổ chức chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma túy.

Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.

Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma túy./.

BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY MỘC CHÂU

 

 

Online:1
Hôm nay:85
Hôm qua:74
Tổng số: 109597
Không có video - Upload lại link